Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vai trò của nghệ sĩ. Theo Người, trên mặt trận này, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ phải thấm nhuần quan điểm: Nghệ thuật – vũ khí, nghệ sĩ – chiến sĩ. Muốn nghệ thuật trở thành vũ khí và người nghệ sĩ đồng thời là chiến sĩ thì người nghệ sĩ phải đi thực tế, phải “ba cùng” với nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, nghệ thuật được coi là một di sản phi vật thể quý báu của dân tộc Việt Nam. Thế giới suy tôn Người là danh nhân văn hóa bởi Người là một nhà văn hóa hành động theo đúng nghĩa “nếu văn hoá là nhu cầu của sự sinh tồn của loài người thì văn hoá ấy phải phục vụ cho chính con người”. Trong tư tưởng của Người, văn hoá được đề cập đến hết sức bình dị mà sâu sắc, bao hàm cả văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người sản sinh ra nhằm thích ứng nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, văn học, nghệ thuật là một trong những cách thể hiện đặc biệt và hiệu quả trên mặt trận văn hoá mà Người đề cập đến. Mặt trận văn hóa cũng như các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế… Xem văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận nhằm nhấn mạnh đến tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh trên mặt trận này. Tuy không có tiếng súng, kẻ thù không trực tiếp, nhưng tính chất phức tạp và quyết liệt của mặt trận này đã được thực tiễn lịch sử chứng minh. Quan điểm này từng được Người phát biểu từ thời kỳ trước cách mạng và những năm đầu của cuộc kháng chiến.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy văn học, nghệ thuật là một thứ vũ khí đấu tranh có hiệu quả. Từ những câu ca dao, tục ngữ mang nội dung phản phong châm biếm, đả kích giai cấp thống trị đến các loại truyện cổ tích, truyện cười có nội dung đấu tranh xã hội cao. Những áng văn chương lớn trong văn học như “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Truyền Kiều” của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Đồ Chiểu đều có giá trị về tư tưởng và có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ. Nguyễn Đình Chiểu đã từng đề xướng quan điểm tiến bộ về văn học nghệ thuật: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Á Nam Trần Tuấn Khải cũng xem văn chương thực sự có khí phách và linh hồn khi gắn với hồn thiêng đất nước: “Đời không duyên nợ thà không sống/ Văn có non sông mới có hồn”. Năm Đinh Mão 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn “Đường cách mệnh”. Thông qua tác phẩm, Người muốn thay đổi quan niệm phong kiến trước đây bằng cách tạo ra một thế giới quan mới cho thế hệ thanh niên yêu nước. Đó là thế giới quan hiện thực về người chiến sĩ cách mạng có tư cách, dũng khí, có phẩm chất đạo đức cần thiết với mình, với người và với công việc, có tinh thần quốc tế trong sáng. Bác viết tác phẩm này với mục đích thiết thực: Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết với nhau mà làm cách mệnh. Còn trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”, Người cũng khẳng định: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Chất thép là tính chiến đấu, là nội dung đấu tranh xã hội của thơ ca. Đây có thể được coi là tuyên ngôn nghệ thuật của Người và đó cũng là đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 cũng nhấn mạnh tính chiến đấu của văn hóa, văn nghệ trên lập trường giai cấp vô sản theo phương châm “dân tộc, khoa học và đại chúng”.
Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh… Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
Quan điểm “văn học, nghệ thuật cũng là một mặt trận” thấm sâu trong nhận thức của các nhà văn, nhà thơ đi theo Đảng suốt những năm tháng kháng chiến cũng như những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà thơ Sóng Hồng đã lên tiếng khẳng định: “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Nhà thơ Tố Hữu bộc lộ quan điểm nhân sinh và nghệ thuật của mình qua bài thơ “Từ ấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vai trò của nghệ sĩ. Theo Người, trên mặt trận này, những người làm công tác văn hóa văn nghệ phải thấm nhuần quan điểm: Nghệ thuật – vũ khí, nghệ sĩ – chiến sĩ. Muốn nghệ thuật trở thành vũ khí và người nghệ sĩ đồng thời là chiến sĩ thì người nghệ sĩ phải đi thực tế, phải “ba cùng” với nhân dân. Đây cũng chính là quan điểm của Người trong thư gửi các họa sĩ trong năm Tân Mão 1951: “Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế mới bày tỏ được tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao cho tinh thần ấy”. Có thể thấy, Bác quan tâm đến hầu hết các vấn đề của văn nghệ: từ chức năng, tính chất của nghệ thuật đến vai trò của văn nghệ, từ nguồn gốc của nghệ thuật đến đối tượng phục vụ, phạm vi phản ánh; mối quan hệ giữa nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng; sự thống nhất giữa nội dung và hình thức của tác phẩm; mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, chính trị và văn học, tư tưởng và nghệ thuật, tự do sáng tạo và những nguyên tắc cần tôn trọng; từ mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, phổ cập và nâng cao đến làm thế nào cho tác phẩm có tính hấp dẫn, có sức cuốn hút thông qua cách viết, cách thể hiện…
Trong bài phát biểu tai Hội nghị cán bộ văn hóa năm 1958, Người thân mật căn dặn anh chị em rằng: “Cơ quan trong Bộ Văn hoá, các cơ quan các ngành, các ty văn hoá thì cần xuống nông thôn, vào nhà máy, vào bộ đội nhiều hơn nữa, mà đi vào như thế thì phải cùng làm, cùng ăn, cùng ở với nhân dân. Chứ nếu đi xuống nông thôn mà lại lao động phất phơ, ở riêng thì cảm thông sao cho được, gần gũi sao cho được với công nông, với bộ đội. Muốn thật sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, mới biết sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng như thế nào”.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, trong đời sống văn nghệ đã hình thành lớp lớp nhà văn chiến sĩ, những nhà văn hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, dùng ngòi bút của mình phục vụ cho cách mạng một cách tận tụy, hết mình. Nhiều nhà văn trong kháng chiến chống Pháp đã lăn lộn ở chiến trường, tham gia các chiến dịch Thu đông, Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ… Trong số đó có nhiều người đã hi sinh anh dũng như các nhà văn – chiến sĩ Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh… Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hàng chục ngàn văn nghệ sĩ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đến với tiền tuyến lớn và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp thống nhất nước nhà, như các nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý v.v. trong số họ có nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến dành lại độc lập, tự do cho non sông, đất nước.
Lời dạy văn nghệ sỹ của Bác Hồ nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu cho những người cầm bút bởi kẻ thù luôn tìm cách tiến công trên mặt trận văn hóa, gieo rắc nọc độc tư tưởng, làm lung lay tinh thần chúng ta trên mặt trận không có tiếng súng này. Với tư cách là người đặt nền móng cho nền văn nghệ cách mạng, Bác Hồ kính yêu đã có công gây dựng một nền văn nghệ mới, đồng thời có những lời chỉ bảo tận tình, cần thiết cho đội ngũ những người làm công tác văn hóa văn nghệ, đặc biệt là các anh chị em nghệ sĩ. Tư tưởng đó của Người chính là ánh sáng soi đường cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật của nước ta. Hơn 60 năm trôi qua, nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ chúng ta vẫn luôn khắc nhớ, đinh ninh lời Bắc căn dặn ngày nào: “Văn hóa, văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác, không thể ở ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”…
Nguyễn Thị Thọ
Trường CĐSP, 123 Nguyễn Huệ, TP. Huế.